Sự cần thiết và hoàn cảnh ra đời của quyển gia phả họ Trần Trình Phố

               Họ có gia phả cũng như nước có sử ký. Nước có sử ký mới có thể biết được thế thứ. Họ có gia phả mới biết được bản, chi. Như thế thiết tưởng quyển gia phả cần thiết cho gia tộc biết nhường nào!

                Theo cuốn sử ký Thanh Hoa của một Pháp kiều Robequain viết theo tài liệu hiện lưu trữ tại thư viện kinh thành Thuận hoá (Huế) thì họ Trần ta khởi thuỷ từ cụ thuỷ tổ Trần Pháp Duyên, được phong tước Hầu Phú Vinh, sinh quán tại làng Diêm Phổ, tỉnh Nghệ an ra lập ấp tại làng ta hiện nay, đặt tên làng là Trình Phả.

             Ấp của tổ ta lập ra từ thời vua Lê Chính Hoà, đến nay cũng đã lâu năm, từ thời đại xa xăm. Những lời nói hay, những việc làm tốt đẹp của tổ tiên ngày trước không thể rõ hết được.

              Tổ tiên ta vun trồng cây "Đức", xây đắp nền "nhân", nhờ vậy con cháu đời nào cũng phát khoa, phát hoan, mà kể đến sự giàu có thì lại càng phát đạt hơn, bao giờ cũng hơn nhất trong làng.

               Uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây, là con cháu phải nhớ công đức tổ tiên, mà nhớ công đức tổ tiên phải nhờ có quyển gia phả.

               Nhận thấy quyển gia phả thiết yếu cho con cháu như thế, cụ tổ đời thứ 8 của chúng ta là cụ Tú tài quan viên phủ Trần Ngọc Khuê đã uỷ thác cho người cháu đời thứ 10 là cụ Trần Ngô ( thuộc chi của cụ phủ Can) soạn ra quyển gia phả bằng chữ Hán. Nhờ quyển đó mà ngày nay chúng ta hiểu được sự nghiệp của tiền nhân ta mà noi theo. Dù chẳng sánh kịp với tiền nhân, song cũng noi gương hiền thảo mà xử thế, như thế tưởng chẳng phải là pho tài liệu hữu ích cho ta sao?

               Tuy nhiên những tài liệu đó không thể lưu truyền mãi mãi được, vì:

1. Sự biến thiên của thời thế, khiến ta không thể bảo quản được toàn vẹn.

2. Hán học suy vi, trào lưu Âu  Mỹ tiến triển không ngừng, vì vậy mà con cháu sau này phải theo đà tiến triển của xã hội mà học hỏi những từ chương khác, nên những văn kiện soạn thảo theo bảng hán tự trở nên thất truyền.

                 Bởi vậy ngày nay , thời thế loạn ly, đất nước qua phân, nhân khi lánh nạn nhàn rỗi, không quản tài hèn trí mọn, tôi thắp nén hương lòng ghi chép lại bằng quốc âm những thiên gia phả bằng Hán tự mà tôi còn nhớ được. Tuy vậy cũng còn nhiều chỗ thiếu sót mà tôi mong rằng sẽ được bổ khuyết sau. Tôi hy vọng rằng những dòng tôi viết ra sau đây có thể bổ ích một phần nào cho con cháu ta mai sau trong việc vấn tổ tầm  tông, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, kẻ Bắc, người Nam. Tình trạng ấy rất có thể gây nhiều khó khăn cho con cháu sau này muốn thăm viếng phần mộ tổ tiên và truy tư những ngày kỵ lạp nếu không có quyển gia phả này.

                 Năm nay là năm Bính thân (1956), tôi đã 74 tuổi, không ngại tuổi già, viết quyển gia phả này bằng quốc âm tại  kinh  đô Thuận Hoá ngày 18 tháng giêng.

                                                                                                                                Trần Văn Kỷ (đời thứ 11, chi ba)

Thiết kế bởi: Vinatechweb.com